BỆNH ÁN VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU VÀ TĂNG HUYẾT ÁP
Bệnh nhân: Nguyễn Thị T.
Vọng: Sắc mặt đỏ ửng.
Văn: Hơi thở to
Vấn: Bệnh nhân khai bị chứng đái rắt, đái rắt gần hai tháng nay, mỗi khi buồn đái bụng dưới đau quặn khi đái thì đau buốt dọc đường tiết niệu, ngày đi nhiều lần mà lượng nước không nhiều. Đi vừa xong lại bị són vài giọt. Đầu thường choáng váng, huyết áp tâm thu 180 - 190 mmHg, mặt thường đỏ ửng cảm thấy nóng rát.
Thiết mạch: Trầm huyền sác hữu lực.
Quy nạp bát cương : Lý âm hư, lý dương nhiệt thịnh.
Quy nạp hội chứng bệnh lý: Đây là chứng do can dương quá thịnh phản khắc lại phế kim, phế kim chủ khí có quan hệ mẫu tử với thận thuỷ. Vì mẹ phế kim bị can mộc ức chế không sinh hoá được thận thuỷ, thận thuỷ là cơ quan điều tiết thuỷ dịch nay vì không được sự hóa sinh của phế kim cho nên chân âm bị thương tổn, làm mất đi công năng điều tiết thuỷ dịch của thận thuỷ, làm sự hoạt động bài tiết thuỷ dịch của bàng quang bị trở ngại, nên phát sinh ra chứng đái rắt, đái són không thông lợi, chân âm kém không thượng thăng lên để làm thăng bằng âm dương ở thượng tiêu được nên mặt thường đỏ ửng. Huyết áp lên cao là vì can kinh có chức năng tàng huyết nay vì can dương quá thịnh không tàng được huyết theo chức năng, rối loạn kinh mạch nên huyết áp lên cao dao động.
Xử phương : Căn cứ theo mạch trầm huyền sác là can kinh bị thấp nhiệt, xử phương dùng Long đởm tà can thang để trấn can bình can, thông lợi tiểu tiện để khử thấp tiết nhiệt, gia Câu đằng, Ngưu tất, Thảo quyết minh, Cúc hoa để an thần, làm mềm giãn gân mạch, cho uống liên tục 6 thang, tiểu tiện thông lợi, huyết áp hạ xuống còn 130/80 mmHg. Xem mạch lại thấy đi huyền hoãn đổi dùng thang Kỷ cúc địa hoàng để bổ thận thuỷ thanh can mộc.
Cho uống liên tiếp 10 thang, bệnh nhân khỏi hẳn.