Ngôi ngược là một ngôi dọc nhưng đầu thai nhi lại ở phía đáy tử cung, còn mông thì ở phía dưới và trình diện trước eo trên, trong ngôi ngược có ngôi ngược hoàn toàn (khi thai ngồi xổm trong tử cung) và ngôi ngược không hoàn toàn kiểu mông (khi hai chân thai nhi vắt lên ngực).
Ngôi ngược là một ngôi có thể đẻ thường được, nhưng thai nhi dễ bị đe dọa khi sổ đầu, do đó đòi hỏi người đỡ đẻ phải có kinh nghiệm và bình tĩnh khi xử trí.
1. Do người mẹ
- Tử cung kém phát triển, tử cung hình trụ.
- Các khối u tiền đạo.
- Nhìn: thấy tử cung hình trứng
- Nắn: thấy khối đầu ở phía đáy tử cung, ở phía dướì tử cung có một khối mềm, không tròn đều, to hơn khối đầu.
- Nghe: ổ thai ở phía trên rốn người mẹ.
- Thăm âm đạo: thấy tiểu khung rỗng nếu ngôi còn cao, sờ thấy chân thai nhi hoặc mông và xương cùng của thai nhi.
Cần chẩn đoán phân biệt với;
- Ngôi mặt: trong ngôi mặt sờ được mồm, mũi và có phản xạ mút của thai nhi khi đưa tay vào mồm của thai nhi.
- Ngôi đầu sa chi: dễ nhầm với ngôi ngược hoàn toàn, nhưng sờ được đầu thai nhi. nếu cần thiết và có điều kiện thì nên làm siêu âm để chẩn đoán xác định.
- Do khối mông không tròn đều và sự bình chỉnh giữa ngôi và đoạn dưới không tốt nên ngôi không đè sát vào cổ tử cung, do đó cổ tử cung thường mở chậm, đoạn dưới thường dày và không thành lập tốt, ối thường bị vỡ sớm.
Vì ngôi lọt trong khi cổ tử cung còn dày, chưa mở hết, nhưng đầu thai nhi có đường kính lớn nhất lại sổ sau cùng nên dễ mắc đầu, làm cho thai nhi bị ngạt.
- Với ngôi ngược, thái độ của người thầy thuốc cần phải bình tĩnh chờ đợi, chỉ nên bấm ối khi tử cung đã mở hết. Trong thời gian ngôi lọt và xuống thì người thầy thuốc không nên vội vàng kéo thai khi thấy mông và chân đã thập thò ở âm hộ. Nếu cơn co yếu có thể truyền nhỏ giọt tĩnh mạch ocytocin 5 dv pha vào 300ml glucose 5%, người thầy thuốc cần điều số giọt trong một phút cho thích hợp (lúc đầu chỉ nên truyền 15 giọt một phút).
- Khi mông đã sổ xong, lúc đó người thầy thuốc mới trực tiếp can thiệt giúp cho cuộc đẻ được thuận lợi.
Người thầy thuốc dùng một khăn vuông vô khuẩn phủ lên thân thai nhi, rồi dùng hai bàn tay nắm lấy hai bên mông thai nhi, giữ cho thai nhi luôn luôn ở tư thế gập cong lưng để cho thai nhi sổ được dễ dàng. Khi bụng thai nhi đã sổ ra ngoài thì dùng tay móc cho cuống rau dài ra, sau đó có thể xoay nghiêng thai nhi để cho từng vai sổ một (theo đường kính dọc của eo dưới), nếu thai sổ chậm cần kiểm tra xem tay của thai nhi có giơ lên cao hay không, nếu có phải làm động tác hạ tay; hạ tay sau trước rồi lại quay thai nhi để hạ nốt tay kia, Khi hạ tay thai nhi, người thầy thuốc dùng hai ngón tay (trỏ và giữa) ấn vào vùng khuỷu tay của thai nhi để cho tay thai nhi tụt xuống theo động tác vuốt tay qua mặt (kiểu mèo rửa mặt). Trong quá trình sổ thai, người phụ đứng ở phía trên có thể dùng bàn tay ấn vào đầu thai nhi qua thành bụng để làm cho đầu thai nhi luôn luôn cúi. Khi thân thai nhi đã sổ xong thì quay cho thai nhi nằm sấp. nếu thai nhỏ thì kéo cho vùng hạ chẩm xuống tới dưới khớp vệ rồi lật cho thai nhi nằm ngửa lên phía trên bụng người mẹ (thủ thuật Bracht). Nếu thai trung bình hay to có thể lấy đầu theo phương pháp Mauriceau: người thầy thuốc dùng tay phải đè vào vùng chẩm và ấn để cho dầu thai nhi cúi, dùng hai ngón tay của bàn tay trái cho vào mồm thai nhi ấn vào xương hàm dưới và kéo cho đầu cúi thêm. Sau đó kéo thai nhi xuống bằng tay phải để cho hạ chẩm xuống tới dưới khớp vệ, rồi mới lật thai nhi lên trên để cho mặt và đầu thai nhi sổ tiếp.