PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ XỬ TRÍ CẤP CỨU CHẤN THƯƠNG HÀM MẶT Ở TRẺ EM

I. GIỚI THIỆU

• Chấn thương hàm mặt (CTHM) là một loại tổn thương thường gặp ở trẻ em, bệnh gây ra khi có một lực mạnh tác động trực tiếp vào vùng mặt. CTHM có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động...

• CTHM có thể xảy ra riêng lẻ hay phối hợp với nhiều thương tổn toàn thân khác. Trong trường hợp đa thương, việc xử trí cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau như Ngoại tổng quát, TMH, Mắt, Thần kinh,..,...

• Cấp cứu trong CTHM là một xử trí khẩn cấp nhằm ổn định và duy trì tình trạng sinh tồn và sức khỏe chung của bệnh nhân trước khi tiến hành điều trị chuyên khoa sâu về hàm mặt.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh

• Hoàn cảnh xảy ra chấn thương.

• Cơ chế gây ra chấn thương.

• Thời gian xảy ra chấn thương.

• Những xử trí trước đó.

b. Khám

• Đánh giá dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở, tri giác để xử trí cấp cứu.

• Tìm các dấu hiệu tổn thương hàm mặt sau:

- Sưng nề và tụ máu

thường thấy trong chấn thương có tổn thương xương và phần mềm. Ví dụ: tụ máu ở hốc mắt (dấu hiệu đeo kính râm) thường gặp trong gãy Lefort III. Phù nề đôi khi có thể che lấp sự di lệch và biến dạng xương.

- Đau

là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân sau chấn thương, đau nhói khi sờ nắn là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán vị trí và thể loại gãy xương, ví dụ đau nhói vùng lồi củ xương hàm trên trong gãy Lefort I.

- Gián đoạn bờ xương: sờ thấy mất sự liên tục của xương.

- Biến dạng xương:

ví dụ:

+ Vẹo mũi, xẹp mũi -> Gãy xương chính mũi.

+ Lép vùng gò má -> Gãy hàm gò má.

+ Mặt lõm hình đĩa -> Gãy Lefort II.

- Há miệng hạn chế : trong gãy cổ lồi cầu và cung tiếp.

- Gián đoạn cung răng:

trong trường hợp đường gãy đi qua cung răng như gãy xương hàm dưới vùng cằm, cành ngang, gãy dọc hàm trên.

- Sai khớp cắn:

là hiện tượng mất tương quan bình thường giữa hai hàm ở tư thế cắn lại do sự di lệch của xương gãy hoặc di lệch của răng bị chấn thương.

- Chảy máu:thường gặp nhất là chảy máu mũi và miệng do tổn thương các niêm mạc mũi, các xoang cạnh mũi, đứt động mạch sàng trước gây chảy máu mức độ vừa, trường hợp đứt động mạch bướm khẩu cái hay động mạch hàm trong gây chảy máu dữ dội khó cầm. Chảy máu cũng thường gặp do rách mô mềm vùng môi, má, lưỡi.

- Tổn thương thần kinh ngoại biên

như dây thần kinh VII, gây liệt mặt ngoại biên một bên, tổn thương dây thần kinh V2 trong gãy hàm gò má gây tê môi trên má và cánh mũi cùng bên.

• Khám tìm các tổn thương phối hợp: chấn thương sọ não, chấn thương bụng, ngực.

c. Xét nghiệm

• X-quang:

- Khảo sát tầng giữa mặt: phim Water's, Profil, Occlusal, Blondeau.

- Khảo sát xương hàm dưới: phim Face, phim chếch nghiêng (Maxillaire défilé), Panorex.

- Khảo sát lồi cầu: phim Towne, Schuller, Parma.

• CT scanner: là phương tiện chẩn đoán gãy xương tốt nhất, đặc biệt là phim CT scanner tái tạo sẽ cho hình ảnh toàn bộ khối xương mặt và các vị trí tổn thương.

• Xét nghiệm tiền phẫu: huyết đồ, thời gian máu chảy - máu đông, nhóm máu, tổng phân tích nước tiểu.

2. Chẩn đoán: dựa vào:Yếu tố liên quan chấn thương + các tổn thương thực thể vùng hàm mặt: + X-quang hàm mặt.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị

• Đánh giá toàn diện.

• Xử trí cấp cứu hô hấp và tuần hoàn.

• Cầm máu và cố định xương gãy.

• Điều trị triệu chứng: giảm đau, giảm phù nề, kháng sinh dự phòng.

2. Xử trí ban đầu

a. Khai thông và duy trì đường thở

• Lấy sạch máu đông và chất nôn ói ra khỏi miệng, các vật lạ, răng gãy hoặc lung lay không giữ được cần phải loại bỏ.

• Hút sạch các chất tiết ra khỏi xoang mũi miệng và họng.

• Nếu bệnh nhân tỉnh có thể bồng hoặc đặt ở tư thế ngồi, đầu cúi về phía trước để dễ dàng tống các chất nôn ói ra ngoài.

• Nếu bệnh nhân không tỉnh, thì đặt nằm nghiêng một bên hút liên tục các dịch tiết từ mũi và họng.

• Nếu tất cả các biện pháp trên không thể khai thông được đường thở lúc ấy phải chỉ định đặt nội khí quản hay mở khí quản khẩn cấp, ví dụ như gãy dập nát xương vùng cằm khiến lưỡi bị thụt vào có thể gây tắc nghẽn đường thở.

b. Thở oxy với tất cả các trường hợp có biểu hiện khó thở, tím tái.

c. Hồi sức tuần hoàn

• Nếu huyết động học không ổn định cần phải truyền dịch điện giải, tốc độ phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân.

• Truyền máu trong trường hợp mất máu có ảnh hưởng đến huyết động học.

d. Kiểm soát chảy máu

• Chảy máu phần mềm: rửa sạch vết thương, khâu cầm máu và băng ép.

• Thường gặp nhất là chảy máu mũi và miệng, tùy theo vị trí và mức độ chảy máu mà xử trí thích hợp ví dụ như là nhét bấc mũi trước và sau trong chảy máu mũi, khâu các vết rách ở phần mềm.

• Khi có đứt động mạch lớn máu có thể chảy dữ dội, khi đó cần phải thắt những động mạch cung cấp tương ứng như động mạch hàm trong, động mạch mặt, động mạch lưỡi hay động mạch cảnh ngoài.

• Nắn chỉnh xương gãy tức thời cũng góp phần cầm máu.

e. Xử trí nẹp hàm khẩn cấp: cố định những đầu xương gãy riêng lẻ và sai chỗ làm giảm nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng bằng cách băng cầm đầu, cột cố định hàm bằng dây thép (nếu có chỉ định).

f. Xử trí cấp cứu vết thương phần mềm

• Rửa sạch vết thương bằng nước muối sinh lý.

• Loại bỏ các dị vật, mô hoại tử dập nát, các mảnh xương vụn.

• Khâu vết thương.

g. Xử trí phần răng gãy

• Loại bỏ các răng gãy có nguy cơ gây nhiễm trùng.

• Răng vĩnh viễn lung lay có thể giữ lại bằng phương pháp cố định răng.

• Cắm lại răng hay đặt lại mầm răng vĩnh viễn.

3. Điều trị triệu chứng

• Chống phù nề, tụ máu (- Chymotrypsin).

• Giảm đau: Paracetamol hay Ibuprofen.

• Kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng: có thể chọn.

- Ampicillin: 50 mg - 100 mg/kg/24 giờ, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

- Penicillin: 30.000 - 50.000 đv/kg/24 giờ, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.

• Chủng ngừa uốn ván nếu có vết thương hở: VAT, SAT,...

IV. THEO DÕI

Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như tim mạch, huyết áp, nhịp thở, tri giác cho đến khi tình trạng chung của bệnh nhân được ổn định. Việc điều trị chuyên khoa sâu về RHM phải được trì hoãn lại đến lúc sức khỏe của bệnh nhân cho phép.