CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH

1.    ĐẠI CƯƠNG

"Sex" là một thuật ngữ hay được sử dụng nhất, bao hàm tình trạng sinh học là nam hay nữ nhưng nó cũng được dùng để mô tả hành vi tình dục.

Một thuật ngữ được dùng thích hợp hơn và có tính mô tả khi nói về các vấn đề tình dục là "sexuality". Sexuality là một thuật ngữ rộng hơn, nó được diễn tả thông qua mối quan hệ, sự tác động qua lại giữa những người khác giới, hay là cùng giới và bao gồm cảm xúc, suy nghĩ, kinh nghiệm, kiến thức, lý tưởng, giá trị và cảm xúc của một người.

Ốm đau ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể và tình dục nên được đặt như là một thành phần của các vấn đề quan tâm. Lời nói của bệnh nhân, của chồng hay vợ bệnh nhân quyết định mục tiêu và kết quả đạt được.

Tình dục được cảm giác nhiều hơn là quan sát, các cách biểu lộ phải thân mật và không quan sát được. Bệnh nhân có thể được yêu cầu nói lên các vấn đề mà họ quan tâm, nói lên các hoạt động và sự thoả mãn, các yếu tố nguy cơ liên quan. Sau đó điều dưỡng có thể quan sát các manh mối về hành vi như ánh mắt, cử chỉ qua đó có thể xác định hay gợi ý các lo lắng đang còn tiếp tục tiếp diễn hay không. Khi kết quả được lượng giá, bệnh nhân, vợ hay chồng của họ và điều dưỡng cần thay đổi nguyện vọng hay thiết lập khung thời gian thích hợp hơn để đạt được mục tiêu mong muốn.

2.    CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIỚI TÍNH

2.1. Các giai đoạn phát triển của cơ thể

Bảng 12.1. Sự phát triển về giới tính qua các giai đoạn của cuộc sống

Giai đoạnĐặc điểm

Trẻ nhũ nhi

(Mới sinh - 8 tháng tuổi)

-    Đã có sự phân biệt giới tính nam hay nữ.

-    Dần dần có khả năng phân biệt chính mình và người khác.

-    Cơ quan sinh dục ngoài nhạy cảm với các kích thích.

-    Trẻ nam có cương dương vật và nữ có tăng tiết dịch âm đạo.

- Quần áo và đồ chơi định hướng theo giới.

Trẻ chập chững (Từ 1 - 3 tuổi)

-    Tiếp tục phát triển các nét nhận dạng giới tính.

-    Có thể xác định giới tính của mình.

-    Phát triển sự kiểm soát bàng quang và ruột.

Mẫu giáo (Từ 4 - 5 tuổi)

-    Tăng sự nhận thức về chính mình.

-    Biết gọi tên đúng các bộ phận cơ thể.

-    Học cách kiểm soát về cảm xúc và hành vi.

-    Hay bắt chước người lớn.

Tuổi đi học (Từ 6 - 12 tuổi)

-    Có xu hướng kết bạn cùng giới.

-    Tăng nhận thức về chính mình.

-    Tiếp tục các hành vi tự kích thích.

Thanh niên (Từ 12 - 20 tuổi)

-    Các đặc điểm giới tính nguyên phát và thứ phát phát triển.

-    Lần hành kinh đầu tiên xảy ra đối với nữ.

-    Phát triển mối quan hệ với các bạn khác giới.

-    Thủ dâm hay gặp.

-    Có thể tham gia vào các hoạt động tình dục.

Người lớn trẻ tuổi (Từ 20 - 40 tuổi)

-    Hay xảy ra các hoạt động tình dục trước đám cưới.

-    Thiết lập lối sống riêng của mình.

-    Nhiều cặp vợ chồng phân chia tiền bạc riêng và trách nhiệm trong nhà.

Người trung niên (40 - 65 tuổi)

-    Cả đàn ông và phụ nữ đều trải qua giai đoạn giảm sinh hormon.

-    Mãn kinh xảy ra ở phụ nữ thường từ 40 - 55 tuổi.

-    Khả năng tình dục giảm dần ở nam.

-    Giảm số lần sinh hoạt tình dục.

-    Hay có li dị.

Người lớn tuổi (> 65 tuổi)

-    vẫn còn hứng thú với các hoạt động tình dục, số lần sinh hoạt tình dục ngày càng ít (65 - 74 tuổi).

-    Âm đạo khô và ngực teo (75 - 84).

-    Đàn ông sản sinh ít tinh trùng (> 85 tuổi).

2.2.    Văn hoá

Tất cả các nhóm văn hoá đều có liên quan đến giới tính hay tình dục. Nhiều người Nam Mỹ đã có thái độ phản đối mạnh mẽ về đồng tính luyến ái trong khi nhiều nhóm văn hoá khác có thái độ trái ngược về vấn đề này.

Vì mỗi bệnh nhân có một cách tiếp cận với tình dục, điều dưỡng phải nhận thức và xem xét các yếu tố văn hoá khi tiếp cận với các vấn đề giới tính trong chăm sóc sức khoẻ.

2.3.    Tôn giáo

Tôn giáo có vai trò hướng dẫn về hành vi tình dục, hành vi tình dục nào có thể chấp nhận, hành vi nào không chấp nhận được, hành vi tình dục nào bị ngăn cấm và hậu quả của việc phá vỡ các quy tắc tình dục. Các hướng dẫn hay các nguyên tắc có thể chi tiết, cứng nhắc hoặc chung chung, linh động. Ví dụ, nhiều tôn giáo xem các hình thức làm tình như là một hiện tượng không tự nhiên và việc giữ gìn trinh tiết trước hôn nhân là một nguyên tắc.

2.4.    Đạo đức cá nhân

Mặc dù đạo đức là một thành phần của tôn giáo, nhưng các ý nghĩ và cách tiếp cận có tính đạo đức đối với tình dục có thể tách rời. Những gì mà một người xem như là đồi bại, truỵ lạc, kỳ quái hay không thì có thể được xem như là hoàn toàn bình thường hay đúng đối với những người khác. Nhiều người chấp nhận quan hệ tình dục dưới nhiều dạng khác nhau nếu nó được thực hiện với người lớn, có sự đồng ý của họ, kín đáo và không có hại.

2.5. Tình trạng sức khỏe

Cơ thể khoẻ mạnh, ý nghĩ và cảm xúc lành mạnh là điều kiện cần thiết để có hoạt động tình dục lành mạnh.

2.5.1.    Bệnh tim

Bệnh tim ảnh hưởng thường xuyên lên hoạt động tình dục. Những bệnh nhân đã trải qua hay có nguy cơ nhồi máu cơ tim thường lo lắng về các hoạt động tình dục. Những lo lắng về ảnh hưởng của tình dục lên tim làm cho một số bệnh nhân hạn chế hay tránh các hoạt động tình dục.

2.5.2.    Đái tháo đường

Nhiều đàn ông bị bệnh đái tháo đường mãn tính có nguy cơ rối loạn chức năng cương do các thay đổi về mặt thần kinh liên quan đến quá trình bệnh. Phụ nữ sẽ mất khả năng khoái cảm, giao hợp đau,...

2.5.3.    Tổn thương tuỷ sống

Vì mức độ tổn thương tuỷ sống quyết định mức độ ảnh hưởng lên chức năng tình dục nên một số người có thể có khả năng cương, phóng tinh và có khả năng sinh sản, có thể có phản xạ sinh dục trong khi một số người có thể không có đáp ứng sinh lý sinh dục.

2.5.4.    Các thủ thuật ngoại khoa

Bất cứ thủ thuật ngoại khoa nào cũng đều có nguy cơ tiềm tàng lên sự thay đổi vẻ bề ngoài của một người, đặc biệt khi phẫu thuật liên quan đến sự cắt bỏ hay thay đổi các phần của cơ thể như sự cắt cụt chi, phẫu thuật cắt bỏ để làm hậu môn nhân tạo. Anh hưởng càng nặng nề hơn khi phẫu thuật có liên quan trực tiếp với chức năng sinh dục như cắt bỏ vú, cắt bỏ tử cung và âm đạo ở phụ nữ; cắt tinh hoàn ở đàn ông. Những bệnh nhân này thường có cảm giác xấu hổ vì mất nam tính hay nữ tính.

Nhiều đàn ông lo sợ rằng, cắt tiền liệt tuyến có thể gây bất lực mặc dù hầu hết các phương pháp phẫu thuật đều không gây bất lực. Vì sự thay đổi cấu trúc giải phẫu ở niệu đạo sau khi cắt tiền liệt tuyến nhiều lúc có thể dẫn đến phóng tinh ngược dòng (sau khi phóng tinh, tinh dịch đi vào bàng quang và được bài tiết qua nước tiểu). Điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hầu hết các bệnh nhân bắt đầu hoạt động tình dục lại sau 6 - 8 tuần phẫu thuật.

Một số trường hợp điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng xạ trị cũng dẫn đến liệt dương vì làm tổn thương các dây thần kinh chịu trách nhiệm cương dương vật.

2.5.5.    Bệnh khớp

Có thể ảnh hưởng trực tiếp lên chức năng tình dục vì đau, cứng, mệt và mất chức năng vận động khớp. Những triệu chứng như vậy ảnh hưởng đến động lực hoạt động tình dục.

2.5.6.    Đau mãn tính

Đau trong các bệnh mãn tính thường đi kèm giảm ham muốn tình dục. Các tư thế giao hợp cần phải được thay đổi một cách thích hợp.

2.5.7.    Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm: hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), lậu, giang mai, viêm niệu đạo, herpes âm đạo, trichomonas âm đạo,...

Sự hiện diện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục của bạn tình có thể gây ra sự sợ hãi, lo lắng dẫn đến kiêng tiếp xúc tình dục. Nếu không phát hiện các bệnh này thì sự lây truyền có thể xảy ra.

Nhiều bệnh lây truyền có thể được điều trị dễ dàng, nhanh chóng và có hiệu quả. Tuy nhiên một số bệnh lại có hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ phụ nữ có thể bị viêm vùng chậu dẫn đến tổn thương hệ sinh sản và có thể dẫn đến vô sinh. AIDS không điều trị được. Sự lo lắng về sự lây truyền của các bệnh này có thể làm thay đổi hành vi tình dục.

2.5.8.    Các rối loạn tâm thần

Bất cứ tình trạng tinh thần không tốt nào đều có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện tình dục. Ví dụ sự trầm cảm có thể làm giảm ham muốn tình dục và có thể ảnh hưởng cả những người bạn tình bị trầm cảm hoặc không trầm cảm. Một số bệnh nhân với các rối loạn tâm thần có thể có các hành vi tình dục không thích hợp như là sờ vào bộ phận sinh dục hay xé rách quần áo. Những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer có thể không nhớ bất cứ sự tiếp xúc tình dục nào trước đây với bạn tình.

2.5.9.    Thuốc

Nhiều thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng lên chức năng tình dục:

-    Mất sự ham muốn tình dục: các thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu và các chế phẩm hormon.

-    Giảm hay rối loạn chức năng cương: các thuốc kháng cholinergic, chống loạn thần, chống loạn nhịp.

-    Rối loạn sự khoái cảm hay sự xuất tinh: các thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, các thuốc hạ huyết áp.

Tuy nhiên cũng có một số người uống thuốc để làm tăng sự khoái cảm.

3. CÁC THAY ĐỔI VỀ TÌNH DỤC

Nhiều người đã trải qua các vấn đề liên quan tới khả năng đáp ứng với các kích thích tình dục hay duy trì sự đáp ứng đó.

Các vấn đề này được chia ra làm nguyên phát và thứ phát.

-    Rối loạn tình dục nguyên phát là hậu quả từ một vấn đề mà luôn hiện diện hay có từ lâu.

-    Rối loạn tình dục thứ phát là sự xuất hiện mới ở những người mà trước đây không có triệu chứng. Nó thường là kết quả của các vấn đề sức khoẻ khác hay điều trị. Điều dưỡng phải đánh giá về cả hai loại này.

3.1. Rối loạn chức năng ở đàn ông

3.1.1. Rối loạn chức năng cương

-    Các vấn đề quan tâm của đàn ông thường gặp là khả năng đạt được và duy trì sự cương và tăng

sự khoái cảm với bạn tình; ở phụ nữ là khả năng đạt được khoái cảm.

-    Mất khả năng đạt được hay duy trì sự cương không đủ cho sự thoả mãn tình dục của bạn tình được gọi là rối loạn chức năng cương.

-    Rối loạn chức năng cương là đáng kể khi nó ảnh hưởng đến sự thoả mãn của chính anh ta hay của bạn tình anh ấy. Những rối loạn như vậy có thể xảy ra trong tất cả các trường hợp, có hay không có bạn tình hay chỉ xảy ra trong một số tình huống nhất định, ví dụ như chỉ có rối loạn với một bạn tình nhưng với các bạn tình khác thì không, hoặc chỉ xảy ra lúc thủ dâm.

-    Một người đàn ông bị rối loạn chức năng cương nguyên phát thì không bao giờ có thể cương đủ để có thể thực hiện giao hợp, ngược lại nếu bị rối loạn chức năng thứ phát thì đã từng có khả năng cương, trước khi có sự rối loạn chức năng cương.

-    Cả hai loại nguyên phát và thứ phát đều có thể gây ra các yếu tố sinh lý hay tâm lý, nhưng rối loạn chức năng cương nguyên phát thường hay liên quan đến các yếu tố tâm lý hơn là các yếu tố sinh .

+ Các yếu tố về sinh lý bao gồm:

*    Rối loạn thần kinh gây ra bởi tổn thương tuỷ sống, tổn thương thần kinh sinh dục hay tầng sinh môn, phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến, bệnh đái tháo đường, bệnh Parkinson.

*    Sử dụng thuốc kéo dài: rượu, giảm đau, heroin, chống trầm cảm, chống loạn thần.

*    Các bệnh mạch máu như ung thư máu, thiếu máu tế bào hình liềm.

*    Các rối loạn nội tiết như suy giáp và bệnh Addison.

+ Các yếu tố tâm lý thường khởi phát đột ngột hơn là từ từ, bao gồm:

*    Nghi ngờ về khả năng tình dục, về nam tính của mình.

*    Mệt, giận dữ, căng thẳng, gây ra bởi các vấn đề công việc, gia đình hay mối quan hệ cá nhân.

*    Bị từ chối.

*    Chán, khó chịu với một bạn tình nhất định.

-    Điều trị rối loạn chức năng cương phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân. Rối loạn có nguồn gốc tâm lý có thể cần sự thay đổi về quan điểm tình dục của cả hai bạn tình. Các kiến thức về nguyên nhân của rối loạn và các bài tập được thiết kế để làm tăng cảm giác cũng được sử dụng.

3.1.2.    Xuất tinh sớm

Xảy ra khi một người đàn ông không thể làm chậm xuất tinh để có thể thoả mãn bạn tình. Điều này có nghĩa rằng, sự xuất tinh chỉ xảy ra sau một kích thích rất đơn giản.

3.1.3.    Xuất tinh chậm hay xuất tinh không hoàn toàn

Là mất khả năng xuất tinh hay là xuất tinh chậm. Giống như rối loạn chức năng cương, xuất tinh chậm cũng có nguyên nhân sinh lý và tâm lý.

3.2. Rối loạn chức năng ở nữ giới

3.2.1. Rối loạn sự khoái cảm

Là tình trạng mất khả năng đạt được khoái cảm của phụ nữ. Một người phụ nữ bị rối loạn khoái cảm tiên phát thì không thể đạt được khoái cảm. Nếu rối loạn thứ phát thì đã từng đạt được khoái cảm nhưng hiện tại thì không. Nguyên nhân có thể gây ra do thuốc, ruợu, tuổi tác cao và bất thường về cấu trúc giải phẫu của cơ quan sinh dục. Nhưng hầu hết các trường hợp đều có nguyên nhân tâm lý, bao gồm việc tranh cãi với bạn tình, nỗi lo sợ hay cảm giác tội lỗi về việc hứng thú trong các hoạt động tình dục.

Liệu pháp điều trị thường liên quan đến việc giúp đỡ cả hai người bạn tình thiết lập được một thái độ mới về tình dục. Tập luyện các cơ vùng chậu có thể làm tăng khả năng đạt được khoái cảm của người phụ nữ do làm căng cơ vùng tầng sinh môn.

3.2.2.    Chứng co thắt âm đạo

Là tình trạng co cơ xung quanh âm đạo một cách không tự chủ và không đều. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do sự ức chế tình dục nặng nề. Những nguyên nhân khác có thể do giao hợp đau, loạn luân, bị cưỡng dâm.

Thường điều trị bằng các liệu pháp tâm lý. Trong một số trường hợp có thể dùng thuốc giãn âm đạo.

3.2.3.    Đau

Là tình trạng đau trong quá trình giao hợp do thiếu sự bôi trơn âm đạo, sẹo, nhiễm trùng âm đạo hay mất cân bằng hormon.

Điều trị bằng cách sử dụng dầu bôi trơn trước khi giao hợp, điều trị các nguyên nhân nói trên.

4. QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG

4.1. Nhận định

-    Hoạt động tình dục là một hoạt động tự nhiên, tự phát và đạt đến điểm cao nhất về sự thoả mãn của cả hai người. Sau hoạt động tình dục là khoảng thời gian thoải mái, trong khoảng thời gian này cả hai người đều trải qua một cảm giác ấm áp, dễ chịu và có cảm giác gần gũi.

-    Điều dưỡng phải cho họ cơ hội để thảo luận về các vấn đề liên quan đến tình dục bằng cách bắt đầu chủ đề trong lúc đánh giá, nhận định. Có những điều dưỡng cảm thấy không thoải mái khi nói về các vấn đề giới tính với bệnh nhân nhưng họ có thể giảm sự không thoải mái này bằng nhiều cách:

+ Trước hết điều dưỡng phải xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức hay một sự hiểu biết về hoạt động tình dục lành mạnh và những phàn nàn hay gặp nhất về các rối loạn chức năng tình dục.

+ Thứ hai, điều dưỡng có thể thực hành nói những thuật ngữ về tình dục theo ngôn ngữ chuyên ngành và theo những từ thông dụng ngoài xã hội, là cách để làm tăng mức độ thoải mái.

+ Cuối cùng, điều dưỡng phải học cách nhận ra các vấn đề tình dục nằm bên ngoài kiến thức chuyên môn của mình, qua đó có thể giúp đỡ bệnh nhân.

4.1.1.    Đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến tình dục

Sự ham muốn về tình dục khác nhau giữa các cá nhân. Một số người muốn và thích quan hệ tình dục hằng ngày nhưng một số người khác lại muốn chỉ một lần một tháng trong khi có những người thì lại không muốn quan hệ tình dục và vẫn cảm thấy thoải mái với tình trạng này. Sự ham muốn tình dục trở thành một vấn đề đáng quan tâm ngay cả khi đơn giản bệnh nhân chỉ muốn quan hệ tình dục thường xuyên hơn.

4.1.1.1.    Các yếu tố thể chất

-    Một bệnh nhân có thể giảm mong muốn hoạt động tình dục vì các lý do thực thể. Hoạt động tình dục có thể gây đau hoặc không thoải mái. Chỉ khi tưởng tượng rằng hoạt động tình dục gây đau thì cũng đã làm giảm sự ham muốn tình dục.

-    Ôm đau nhẹ và sự mệt mỏi cũng làm cho một người không có cảm giác thích thú.

-    Một số thuốc có thể làm giảm sự ham muốn tình dục.

4.1.1.2.    Các yếu tố về mối quan hệ

Các vấn đề về mối quan hệ có thể làm giảm ham muốn tình dục của một người. Sau khi mối quan hệ ngày càng ít thân thiện, nhiều cặp họ phải đối đầu với những sự khác nhau rất lớn về mặt giá trị, tiêu chuẩn đạo đức hay lối sống của nhau. Sự giảm ham muốn trong hoạt động tình dục có thể chỉ do sự lo lắng phải nói với bạn tình rằng, hành vi tình dục nào là được chấp nhận và được hài lòng.

4.1.1.3.    Các yếu tố về lối sống

Việc sử dụng hay lạm dụng rượu hoặc thiếu thời gian quan tâm đến mối quan hệ có thể ảnh hưởng đến sự ham muốn tình dục.

Việc tìm thời gian cho hoạt động tình dục là một yếu tố khác của lối sống. Một số bệnh nhân không biết làm thế nào để xây dựng thời gian cho công việc và thời gian ở nhà, bao gồm các hành vi tình dục. Vì vậy họ có thể cảm thấy quá khó khăn đến nỗi họ cảm nhận rằng, mức độ quan hệ tình dục thường xuyên hơn của bạn tình như là một yêu cầu khó khăn đối với họ. Những bệnh nhân như vậy thường hay muốn ở một mình để suy nghĩ và nghỉ ngơi quan trọng hơn là tình dục, những người khác có thể chọn không có bạn tình.

4.1.2. Bệnh án về sức khoẻ tình dục

Một bệnh án bất kỳ làm ở bệnh viện hay các cơ sở tư nhân đều nên bao gồm một số câu hỏi liên quan đến tình dục để biết xem bệnh nhân có bất cứ vấn đề nào liên quan đến tình dục không. Điều dưỡng phải hiểu các lý do đặt ra các câu hỏi này và phải trả lời cho bệnh nhân các lý do này khi bệnh nhân yêu cầu. Việc hỏi những thông tin về tình dục do tò mò là không thích hợp.

-    Những câu hỏi có thể dùng cho bệnh nhân lớn tuổi có thể là:

+ Bạn cảm nhận thế nào về tình dục trong cuộc sống của mình?

+ Bạn có để ý thấy bất cứ sự thay đổi nào trong cách mà bạn cảm nhận về mình với tư cách là một người đàn ông hay một ngưòi đàn bà, là một người chồng hay một người vợ không?

+ Ôm đau hay thuốc, phẫu thuật đã ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của bạn như thế nào?

-    Những câu hỏi có thể đặt ra cho cha mẹ của đứa trẻ:

+ Bạn có bao giờ thấy con mình thường hay sờ vào dương vật của nó không?

+ Con bạn có bắt đầu hỏi bạn câu hỏi như: "trẻ được sinh ra từ nơi nào" không?

+ Bạn đã nói cho con mình về tình dục, sự mang thai và các biện pháp tránh thai chưa,...?

-    Nhiều thanh niên có thể hỏi những câu hỏi về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và hỏi xem cơ thể chúng có phát triển đúng mức độ chưa.

-    Một số bệnh nhân quá lúng túng hoặc không biết làm cách nào để hỏi các câu hỏi về tình dục một cách trực tiếp. Điều dưỡng cần phải nhận biết được các dấu hiệu đầu tiên mà bệnh nhân sắp hỏi một câu hỏi hay một vấn đề. Những dấu hiệu đầu tiên có thể là:

+ Hỏi trực tiếp những câu hỏi dễ và rồi dường như lưỡng lự với những câu hỏi tiếp theo.

+ Nói đùa về tình dục.

+ Sử dụng những câu nói để tránh động chạm như: "Tôi chỉ muốn là một người bạn tình tốt thôi".

+ Nhìn xuống khi được hỏi những câu hỏi về tình dục, đỏ mặt và thay đổi chủ đề.

+ Hỏi các câu hỏi về hành vi bình thường như: "Có bình thường khi một người đàn ông lớn lên mà không tiết tinh dịch không?".

-    Trong quá trình giao tiếp, điều dưỡng làm rõ và ngắt quãng sẽ giúp bệnh nhân đi vào vấn đề tình dục họ quan tâm một cách trực tiếp hơn. Nếu đã xác định được các vấn đề tình dục đáng quan tâm thì điều dưỡng có thể theo đuổi một bệnh án chi tiết hơn.

-    Một bệnh án ngắn gọn có thể bao gồm những câu trả lời cho những câu hỏi sau:

+ Bệnh nhân thấy gì mà gọi là các vấn đề quan tâm về tình dục?

+ Các vấn đề liên quan đến tình dục bắt đầu khi nào và chúng đã thay đổi như thế nào theo thời gian?

+ Bệnh nhân thấy cái gì là nguyên nhân của các vấn đề liên quan?

+ Bệnh nhân đã tìm kiếm loại hình điều trị nào để làm giảm các vấn đề này?

+ Bệnh nhân muốn các vấn đề này được điều trị như thế nào và mục tiêu điều trị của bệnh nhân?

-    Cuộc thảo luận giữa bệnh nhân và điều dưỡng phải bao gồm những câu hỏi sau:

+ Phương pháp hoạt động như thế nào?

+ Những nguy cơ gì liên quan đến việc sử dụng phương pháp?

+ Những chống chỉ định không thực hiện được các phương pháp đặc biệt?

+ Nó ảnh hưởng đến bạn tình như thế nào?

+ Bạn tình có phản đối việc dùng nó hay không?

+ Sẽ có những khó chịu nào không?

+ Phương pháp này có sẵn có không, có dễ sử dụng không?

+ Bạn tình sẽ lúng túng khi dùng nó hay không?

+ Nguy cơ có thai có chấp nhận được không?

+ Có sự lựa chọn nào khác hay không?

+ Việc hỏi xem những bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nữ xem họ có bị ngược đãi trong cuộc sống hay không cũng là điều quan trọng. Một câu hỏi như: "Bạn có quan hệ với một người hay đánh đập bạn không?", "Có ai bắt buộc bạn phải quan hệ tình dục mà bạn không muốn hay không?"

-    Có thể hướng cho bệnh nhân thảo luận các vấn đề quan tâm lúc đặt câu hỏi, hoặc sau khi tiếp xúc lâu hơn với các nhân viên chăm sóc sức khoẻ.

-    Việc đánh giá chi tiết về các vấn đề tình dục lâu ngày hay các vấn đề liên quan như mất khả năng cương hay sự co, đau âm đạo là nằm bên ngoài chuyên môn của các điều dưỡng đa khoa. Những bệnh nhân này nên được giới thiệu đến trung tâm chăm sóc sức khoẻ chuyên khoa về tình dục. Tuy nhiên, thường thì điều dưỡng có thể xác định các vấn đề tình dục liên quan đến thuốc, thiếu kiến thức. Những can thiệp hướng đến những vấn đề này là thích hợp đối với các điều dưỡng ở bất cứ đơn vị chăm sóc sức khoẻ nào.

4.1.3.    Đánh giá thực thể

-    Các thăm khám thực thể rất quan trọng để lượng giá nguyên nhân của các vấn đề liên quan đến tình dục và có thể là cơ hội tốt nhất để giáo dục bệnh nhân về tình dục.

-    Sử dụng phương pháp sờ: điều dưỡng đánh giá ngực, cơ quan sinh dục trong và ngoài của bệnh nhân. Trong quá trình thăm khám, điều dưỡng có cơ hội đánh giá phản ứng của bệnh nhân, trả lời những câu hỏi của họ và đưa ra những thông tin thu được sau khi thăm khám về cấu trúc giải phẫu và sinh lý.

-    Bệnh nhân nữ có thể học cách tự thăm khám vú trong suốt quá trình đánh giá thực thể. Điều dưỡng dạy bệnh nhân các bài tập thể dục, những bài có khả năng làm mạnh cơ mu - cụt.

-    Những bệnh nhân nam có thể học cách thực hiện tự khám tinh hoàn trong suốt quá trình đánh giá thực thể. Kiến thức về cấu trúc giải phẫu bình thường của bìu giúp bệnh nhân trong việc phát hiện các ung thư tinh hoàn.

4.1.4.    Xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao

-    Những bệnh nhân có nguy cơ cao về sự thay đổi kiểu hình tình dục bao gồm những bệnh nhân sau:

+ Cấu trúc hay chức năng của cơ thể bị thay đổi do bệnh hay tổn thương, thai nghén, các bất thường về cấu trúc giải phẫu của cơ quan sinh dục.

+ Bị ngược đãi về tình dục, bị hiếp dâm.

+ Các liệu pháp thuốc làm giảm sự khoái cảm tình dục hay rối loạn chức năng cương, xuất tinh.

+ Mất bạn tình.

+ Thiếu kiến thức hay kiến thức không đúng về chức năng và các cách quan hệ tình dục.

+ Giảm khả năng thực thể tạm thời hay lâu dài để có thể thực hiện các hoạt động hay duy trì sự hấp dẫn về mặt tình dục.

4.2. Chẩn đoán điều dưỡng

Kiểu hình hoạt động tình dục bị thay đổi và rối loạn chức năng tình dục được xem như là những chẩn đoán điều dưỡng. Khi lập chẩn đoán về các vấn đề liên quan đến tình dục, điều dưỡng phải đánh giá các vấn đề về mặt giải phẫu, sinh lý, văn hoá xã hội, đạo đức, tình huống.

Dựa trên định nghĩa về "sexuality", bất cứ cái gì ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, cảm xúc, tâm thần, thái độ đạo đức hay niềm tin đều có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

Những chẩn đoán điều dưỡng được xác định bởi Hội Chẩn đoán Điều dưỡng Nam Mỹ liên quan đến giới tính bao gồm:

-    Kiểu hình tình dục bị thay đổi do:

+ Lo sợ có thai.

+ Ảnh hưởng của thuốc hạ huyết áp.

+ Các mâu thuẫn trong hôn nhân.

+ Trầm cảm do cái chết hay chia tay với người vợ hay chồng.

-    Rối loạn chức năng tình dục do:

+ Tổn thương tuỷ sống.

+ Các bệnh mãn tính.

+ Đau.

-    Hội chứng tổn thương cưỡng dâm do không được thảo luận về lần bị cưỡng dâm trước đây.

-    Rối loạn hình ảnh của cơ thể do:

+ Ảnh hưởng của những lần phẫu thuật vú hay phẫu thuật đại tràng.

+ Các thay đổi sau khi sinh.

-    Thiếu kiến thức do:

+ Không có kinh nghiệm về tình dục.

+ Các thay đổi liên quan đến tuổi tác trong đáp ứng tình dục.

-    Các mâu thuẫn về quyết định do:

+ Quan hệ tình dục trước hôn nhân.

+ Sử dụng các biện pháp tránh thai.

-    Thiếu kiến thức (về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai, các thay đổi bình thường về tình dục hay giới tính theo tuổi) do thiếu thông tin.

-    Lo lắng do mất ham muốn tình dục.

-    Sợ do tiền sử đã bị ngược đãi về tình dục.

4.3.    Lập kế hoạch

Mục tiêu của những bệnh nhân trong tình dục bao gồm:

-    Có được kiến thức về sự phát triển giới tính và chức năng tình dục của người đàn ông và phụ

nữ.

-    Đạt được hay duy trì hoạt động tình dục lành mạnh, có tính sinh học và đầy cảm xúc.

-    Thiết lập hay duy trì sự thoả mãn tình dục cho cá nhân và bạn tình nếu thích hợp.

-    Thu lại được, duy trì hay đạt được chức năng tình dục đầy đủ để giảm lo lắng.

Khi lập kế hoạch can thiệp, điều dưỡng cần phải chọn chẩn đoán chính xác. Rất cần thiết giới thiệu bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa như khoa sản, khoa tiết niệu đối với những bệnh nhân gặp những trở ngại về mặt thực thể như sự không thoải mái của khung chậu cho việc giao hợp hay bất lực. Các mâu thuẫn tình dục trong hôn nhân hay các tổn thương tinh thần do loạn luân, cưỡng dâm cần được điều trị bởi các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, hay các chuyên gia về tình dục.

Khi lập kế hoạch can thiệp, điều dưỡng nên hướng đến bệnh nhân, nếu cho phép thì cả bạn tình của họ nữa. Bệnh nhân phải mong muốn đạt được mục tiêu. Mục tiêu cần phải lượng giá lại thường xuyên để xem chúng có còn có thể thực hiện được hay không hoặc chúng có tương trợ lẫn nhau hay không.

Bất cứ kế hoạch nào được lập ra cũng cần quan tâm đến nguồn lực để có thể đạt được mục tiêu sau khi không còn sự giúp đỡ của các nhân viên y tế. Có những trung tâm giúp đỡ cho những phụ nữ bị hành hạ, ngược đãi.

Sau khi chẩn đoán được thiết lập và mục tiêu được đặt ra, nên thiết lập kết quả mong muốn như là một hướng dẫn trong suốt quá trình chăm sóc. Khi không đạt được kết quả, điều dưỡng phải lượng giá lại sự can thiệp và mục tiêu để xác định xem có cần sửa đổi hay không.

4.4.    Thực hiện

Vai trò của điều dưỡng bao gồm việc cải thiện sức khoẻ tình dục, là một thành phần của toàn bộ sức khoẻ con người. Điều dưỡng có thể làm cải thiện sức khoẻ bằng cách giúp bệnh nhân có được sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề của họ và tìm ra các phương pháp giải quyết một cách có hiệu quả.

4.4.1. Giáo dục bệnh nhân để cải thiện sức khoẻ tình dục

Việc tìm hiểu và thảo luận về mức độ thoả mãn và đưa ra sự giáo dục về tình dục cần kỹ năng giao tiếp tốt. Môi trường và thời gian nên được kết cấu để tạo ra sự riêng tư, không bị ngắt quãng và bệnh nhân phải thoải mái. Ví dụ khi thảo luận về phương pháp tránh thai đối với phụ nữ, điều dưỡng cho cô ấy ngồi ở trong phòng hành chính tốt hơn là ngồi nói chuyện trong phòng khám bệnh.

Các chủ đề giáo dục rất khác nhau tuỳ thuộc vào việc xác định các đặc điểm và các yếu tố liên quan. Việc giáo dục có thể cung cấp một hướng dẫn cho sự phát triển bình thường. Những chi tiết về sự thay đổi sinh lý nên được cung cấp như một phần của sự thay đổi sức khoẻ tổng thể. Điều này cũng cho phép bệnh nhân đưa ra những câu hỏi hay những vấn đề liên quan đến chức năng cá nhân.

Việc thảo luận về tình dục lành mạnh bao gồm các biện pháp tránh thai khi nói chuyện với những bệnh nhân trong độ tuổi sinh đẻ. Nam giới không phải nằm ngoài lề vấn đề biện pháp tránh thai.

Thảo luận có thể bao gồm mong muốn có con, các phương pháp tránh thai được chấp nhận. Tất cả các phương pháp tránh thai nên được cung cấp các thông tin cần thiết cho lựa chọn của bệnh nhân. Phương pháp tốt nhất là phương pháp mà bệnh nhân chọn dùng liên tục.

Những người có hơn một bạn tình, hoặc những người mà bạn tình có nhiều bạn tình khác thì phải học cách quan hệ tình dục an toàn. Bệnh nhân nên được biết về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các triệu chứng của nó, các hoạt động tình dục có nguy cơ.

4.4.2. Chăm sóc đối với các vấn đề tình dục hiện tại của bệnh nhân

Các can thiệp của điều dưỡng lên sự thay đổi về kiểu hình hay các rối loạn tình dục nói chung là làm tăng nhận thức, giúp làm rõ các vấn đề và cung cấp các thông tin. Những điều dưỡng được đào tạo chuyên môn về tình dục và tư vấn có thể cung cấp các liệu pháp tình dục có lợi cho bệnh nhân. Điều dưỡng biết được khi nào thì cần giới thiệu bệnh nhân đến các chuyên gia liên quan.

Can thiệp đầu tiên thường bao gồm việc thăm dò kiểu hình thực hiện tình dục hiện tại của bệnh nhân. Nếu phát hiện có sự trái ngược nhau trong kiểu hình hiện tại và quá khứ một cách có ý nghĩa thì cần giới thiệu bệnh nhân đến các chuyên gia tư vấn sâu hơn.

Các dấu ấn như có thai, ốm đau, các căng thẳng về mặt tài chính, các nỗi đau đều ảnh hưởng đến tình dục. Ảnh hưởng có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm hay có thể phát sinh lo lắng dẫn đến kéo dài rối loạn tình dục. Nếu bệnh nhân được chuẩn bị cho các thay đổi về chức năng tình dục có thể có này thì có thể giảm tối thiểu lo lắng. Khi bệnh nhân đã tạo được mối quan hệ tốt với các điều dưỡng thì họ cảm thấy thoải mái khi đưa ra các vấn đề tình dục mà họ mắc phải.

Để đáp ứng với các vấn đề quan tâm đã được xác định, điều dưỡng bắt đầu thảo luận về các phương pháp kích thích tình dục, chu kỳ đáp ứng tình dục, hay các cách quan hệ tình dục. Tuy nhiên, một đôi bạn tình cần bảo đảm rằng các ý nghĩ và cách thực hiện các hoạt động tình dục đó là không có hại.

Khi các rối loạn tình dục được xác định và ảnh hưởng đến các vấn đề về lối sống và sức khoẻ, điều dưỡng nên giới thiệu bệnh nhân để được tư vấn hay lượng giá bởi các bác sĩ sản khoa hay các chuyên gia về sinh dục tiết niệu.

4.5. Đánh giá

Khi các kết quả mong muốn không thực hiện được thì điều dưỡng nên tìm các lý do, có thể là:

-    Có xác định đúng các yếu tố nguy cơ không?

-    Bệnh nhân có khai hết tất cả các nỗi lo lắng và các vấn đề mà họ quan tâm về tình dục không?

-    Bệnh nhân có thoải mái hơn sau khi thảo luận về các vấn đề liên quan đến tình dục không?

-    Bệnh nhân có hiểu những gì mà điều dưỡng đã giáo dục không?

-    Những điều mà điều dưỡng đã giáo dục có phù hợp với giá trị về mặt văn hoá và tôn giáo của bệnh nhân không?

-    Bệnh nhân có săn sàng để giải quyết các vấn đề này hay không?

EBOOK - SÁCH ĐIỀU DƯỠNG CƠ BẢN

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU DƯỠNG
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
HỒ SƠ BỆNH NHÂN VÀ CÁCH GHI CHÉP
KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
VÔ KHUẨN - TIỆT KHUẨN
CHUẨN BỊ GIƯỜNG BỆNH
CHO BỆNH NHÂN DÙNG THUỐC
PHƯƠNG PHÁP VẬN CHUYỂN BỆNH NHÂN
KỸ NĂNG GIAO TIẾP
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN GIỚI TÍNH
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN HỆ TIẾT NIỆU
CHĂM SÓC CÁC RỐI LOẠN Ở HỆ TIÊU HOÁ
CHĂM SÓC BỆNH NHÂN KHI ĐAU
CHĂM SÓC RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
CÁC TƯ THẾ NGHỈ NGƠI TRỊ LIỆU
CHĂM SÓC CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA CƠ THỂ
ĐO DẤU HIỆU SỐNG
KỸ THUẬT TIÊM THUỐC
QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG
THÔNG TIỂU
THỤT THÁO
PHƯƠNG PHÁP CẤP CỨU BỆNH NHÂN NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN
RỬA TAY NGOẠI KHOA (SCRUBBING)
MẶC ÁO VÀ MANG GĂNG TAY VÔ TRÙNG (GOWNING AND CLOSED GLOVING)
KỸ THUẬT BĂNG BÓ
RỬA TAY THƯỜNG QUY
THAY BĂNG, RỬA VẾT THƯƠNG ỐNG DẪN LƯU
CÁCH LẤY MỘT SỐ BỆNH PHẨM ĐỂ LÀM XÉT NGHIỆM
ĐẶT XÔNG DẠ DÀY - RỬA DẠ DÀY
LIỆU PHÁP ÔXY
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC CHỌC DÒ TUỶ SỐNG, MÀNG BỤNG, MÀNG PHỔI VÀ MÀNG TIM
ĐO LƯỢNG DỊCH VÀO - RA
DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC LOÉT ÉP
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐIỆN GIẬT
SƠ CỨU BỆNH NHÂN BỊ TAI NẠN DO NƯỚC
SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ TAI NẠN DO NHIỆT
TRỢ GIÚP THẦY THUỐC ĐẶT CATHETER VÀ ĐẶT NỘI KHÍ QUẢN
SƠ CỨU GÃY XƯƠNG