HUYỆT: Hoàn Khiêu

HÌNH ẢNH



TÊN HUYỆT

Khi gập chân (khiêu) vòng ngược lại (hoàn) chạm gót chân vào mông là huyệt, vì vậy gọi là Hoàn Khiêu (Trung Y Cương Mục).

TÊN KHÁC


Bận Cốt, Bể Xu, Bể Yến, Hoàn Cốc, Khu Trung, Phân Trung, Tẩn Cốt.

XUẤT XỨ

Giáp Ất Kinh.

VỊ TRÍ

Nằm nghiêng co chân đau ở trên, chân dưới duỗi thẳng, huyệt ở vị trí 1/3 ngoài và 2/3 trong của đoạn nối điểm cao nhất của mấu chuyển lớn xương đùi và khe xương cùng. Hoặc nằm sấp, gấp chân vào mông, gót chân chạm mông ở đâu, đó là huyệt.

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 30 của kinh Đởm.
• Một trong nhóm Hồi Dương Cửu Châm, có tác dụng nâng cao và phục hồi dương khí.
• Huyệt Hội của kinh túc Thiếu Dương và túc Thái Dương.
• Nhận được một mạch phụ của kinh Túc Thái Dương, huyệt xuất phát kinh Biệt Túc Thiếu Dương, nơi tách ra một mạch phụ đến vùng sinh thực khí ở xương mu để liên lạc với kinh Túc Quyết Âm tại huyệt Khúc Cốt (Nh 2).

TÁC DỤNG

Thông kinh lạc, tiêu khí trệ.

CHỦ TRỊ

Trị chi dưới liệt, khớp háng viêm, thần kinh tọa đau, cước khí.

CHÂM CỨU

Châm thẳng 2–3 thốn hoặc hướng mũi kim qua 2 bên. Cứu 5 – 10 tráng. Ôn cứu 10 – 15 phút.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là cơ mông to, bờ dưới cơ tháp, bờ trên cơ sinh đôi trên.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mông trên, dây thần kinh mông dưới và các nhánh của đám rối thần kinh cùng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.

PHỐI HỢP HUYỆT


1.Phối Âm Cốc (Th 10) + Âm Giao (Nh 7) + Giao Tín (Th 8) + Thúc Cốt (Bq 65) trị vùng mông đau (Thiên Kim Phương).
2.Phối Nội Đình (Vi 44) trị hành kinh bụng đau (Tư Sinh Kinh).
3.Phối Chí Âm (Bq 67) trị sườn ngực đau, thắt lưng và đầu gối đau (Tư Sinh Kinh).
4.Phối Chí Âm (Bq 67) +Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Dương Phụ (Đ 38) + Thái Khê (Th 3) trị chân tê (Châm Cứu Tụ Anh).
5.Phối Phế Du (Bq 23) + Trung Độc (Đ 32) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị chứng nuy, có thấp nhiệt, có đờm, có huyết hư, khí suy (Châm Cứu Tụ Anh).
6.Phối Phong Thị (Đ 31) trị phong thấp mất cảm giác, tê dại (Châm Cứu Đại Thành).
7.Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Khâu Khư (Đ 40) trị vùng đùi vế và đầu gối đau nhức (Châm Cứu Đại Thành).
8.Phối Hoa Đà + Huyền Chung (Đ 39) trị chân đau (Tiêu U Phú).
9.Phối Âm Thị (Vi 33) + Phong Thị (Đ 31) trị đùi vế đau nhức (Thắng Ngọc Ca).
10.Phối Cư Liêu (Đ 29) + ủy Trung (Bq 40) trị phong thấp đau nhức vùng mông, đùi (Ngọc Long Ca). 11. Phối Hậu Khê (Ttr 3) trị mông đùi đau (Bách Chứng Phú).
12.
Phối Yêu Du (Đc 2) [hỏa châm] trị phong thấp thể hàn (Tịch Hoằng Phú).
13.Phối Côn Lôn (Bq 60) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trì (Đtr 11) + Kiên Ngung (Đtr 15) + Phong Thị (Đ 31) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tuyệt Cốt (Đ 39) trị trúng phong không nói được, đờm nhớt ủng trệ (Châm Cứu Toàn Thư).
14.Phối Bá Hội (Đc 20) + Đại Chùy (Đc 14) + Gian Sử (Tb.5) + Hoàn Khiêu (Đ 30) + Khúc Trì (Đtr 11) + Kiên Ngung (Đtr 15) + Phong Trì (Đ 20) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tuyệt Cốt (Vi 39) trị trúng phong khí tắc, đờm kéo, hôn mê (Thần Cứu Kinh Luân). 15. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) trị phong thấp thể hàn (Thiên Tinh Bí Quyết).
16.Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị phong hàn thấp, chân tê (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
17.Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Tuyệt Cốt (Đ 39) trị thắt lưng, đùi đau, chi dưới liệt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
18.Phối ủy Trung (Bq 40) + Trật Biên (Bq 54) + Bạch Hoàn Du (Bq 30) trị dây thần kinh hông (tọa) đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
19.Phối Cư Liêu (Đ 29) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Tuyệt Cốt (Đ 39) trị khớp háng viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
20.Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Phong Thị (Đ 31) + Trung Độc (Đ 32) trị thần kinh ngoài da ở đùi đau (Trung Quốc Châm Cứu Học). 21. Phối Côn Lôn (Bq 60) + Dương Lăng Tuyền (Đ 34) + Giải Khê (Vi 41) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị trúng phong liệt nửa người (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

THAM KHẢO

•  “Xương đùi không đưa lên được, nên nằm nghiêng một bên để thủ huyệt, huyệt nằm ở chỗ mấu chuyển (Hoàn Khiêu), châm sâu bằng kim Viên lợi châm, không nên dùng kim Đại châm” (Linh Khu 24, 29). “Nếu tà khách ở Lạc của kinh túc Thiếu Dương Đởm, gây đau nhức ở khớp háng, không thể cất đùi lên được, châm Hoàn Khiêu với kim dài. Nếu là hàn tà phải lưu kim lâu, châm theo tuần trăng” (Tố Vấn 63, 39). “Vùng thắt lưng đau nhức lan xuống bụng dưới, không thể ngửa người lên được, phải châm Hoàn Khiêu và dựa vào sự xuất hiện và biến mất của mặt trăng (Nguyệt sinh, Nguyệt tử) để tính số lần châm, bệnh ở bên phải, châm bên trái, và ngược lại” (Tố Vấn 41,22). “Thường phối hợp 2 huyệt Dương Lăng Tuyền và Hoàn Khiêu (Đ 30) vì cả 2 huyệt đều thuộc về kinh túc Thiếu dương Đởm, tính nó thư thông, tuyên tán, vì vậy hay điều lý được khí huyết, khu trừ được phong thấp. Dương Lăng Tuyền lại là huyệt hội của tất cả các bắp thịt, vì vậy nó có tác dụng thư cân, lợi tiết. Do đó, hễ gặp trường hợp trúng phong, liệt nửa người, da thịt tê, các chứng run giật, co rút, lưng đau, bại liệt ... mà dùng phối huyệt này thì rất công hiệu. Dùng Hoàn Khiêu + Dương Lăng Tuyền cũng như dùng Kiên Ngung + Khúc Trì là cách phối hợp trên dưới tương ứng với nhau, hình và tính đều giống nhau, lại có công hiệu giống nhau” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).